Tính đến hết tháng 6 năm 2025, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt hơn 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Tính lũy kế đến ngày 30/06/2025, cả nước có 43.702 dự án ĐTNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 519,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 334,28 tỷ USD, bằng 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Thông tin chi tiết như sau:
I. VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
1. Tình hình thu hút ĐTNN 06 tháng đầu năm 2025
1.1. Tình hình hoạt động
Vốn thực hiện:
Trong 06 tháng đầu năm 2025, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu: Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt gần 160,7 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, chiếm 73,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt trên 160 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt hơn 139,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ và chiếm 65,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 06 tháng đầu năm 2025, khu vực ĐTNN xuất siêu hơn 21,16 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 20,5 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 14 tỷ USD.
1.2. Tình hình đăng ký đầu tư
1.2.1 Tình hình đăng ký đầu tư trong 6 tháng
Trong 06 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và GVMCP của nhà ĐTNN đạt trên 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể:
Đăng ký mới: Có 1.988 dự án đầu tư mới (tăng 21,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký mới đạt gần 9,3 tỷ USD (giảm 9,6[1]% so với cùng kỳ).
Điều chỉnh vốn: Có 826 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 31,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 8,95 tỷ USD (gấp 2,2[2] lần cùng kỳ).
Góp vốn, mua cổ phần: Có 1.708 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (tăng 7,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỷ USD (tăng 73,6% so cùng kỳ).
ĐTNN 06 tháng đầu năm 2025 theo tháng

Tính riêng trong tháng 6 số dự án cấp mới, số dự án điều chỉnh vốn và số lượt GVMCP lớn nhất trong 6 tháng năm 2025, trong đó: (i) Đăng ký mới, có 439 dự án đầu tư mới (tăng 27,3% so với tháng 5), tổng vốn đăng ký mới đạt 2,28 tỷ USD (tăng 60% so với tháng 5); (ii) Điều chỉnh vốn, có 152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,4% so với tháng 5), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 426 triệu USD (giảm 80% so với tháng 5), (iii) Góp vốn, mua cổ phần: Có 350 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (tăng 38,9% so với tháng 5).
Theo ngành
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 12 tỷ USD, chiếm 55,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,17 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; cấp nước và xử lý chất thải với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,18 tỷ USD và 902,9 triệu USD.
Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 38,2%) và số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 56,5%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch GVMCP (chiếm 40,9%).
Cơ cấu vốn ĐTNN 06 tháng đầu năm 2025 theo ngành

Theo đối tác đầu tư:
Đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2025. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, chiếm hơn 21,4% tổng vốn đầu tư, giảm 24,8%[3] so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3 tỷ USD, chiếm gần 14,3% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia với số vốn lần lượt là 2,55 tỷ USD; 2,15 tỷ USD và 1,59 tỷ USD.
Cũng trong 06 tháng đầu năm 2025, Malaysia, Thụy Điển ghi nhận mức tăng đột biến, Malaysia tăng 20 bậc so với cùng kỳ, nổi bật với dự án xây dựng công viên Yên Sở tại Hà Nội (tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 1,12 tỷ USD) điều chỉnh vốn trong tháng 05, Thụy Điển tăng 59 bậc với dự án cấp mới lớn trong tháng 6 là Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester (tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD) đầu tư lĩnh vực sản xuất polyester tái chế, tái chế phế liệu dệt may thành hạt nhựa tại Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định.
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 30,1%, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 18,5%) và số giao dịch GVMCP (chiếm 26,5%).
ĐTNN 06 tháng đầu năm 2025 theo đối tác

Xếp hạng vốn ĐTNN 06 tháng đầu năm 2025 tại Việt Nam theo đối tác

Theo địa bàn đầu tư:
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 06 tháng đầu năm 2025. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,66 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ. Bắc Ninh đứng thứ hai với gần 3,15 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,1% so với cùng kỳ. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Đồng Nai, Hà Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu,…
Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 39,8%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và GVMCP (chiếm 67,1%).
ĐTNN 06 tháng đầu năm 2025 theo địa phương

Xếp hạng vốn ĐTNN 06 tháng đầu năm 2025 tại Việt Nam theo địa phương
2. Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài tháng 6 và 06 tháng đầu năm 2025
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025. Đáng chú ý, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp 2,2 lần và vốn góp, mua cổ phần (GVMCP) tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2024. Cả số lượng dự án đầu tư mới, số lượt điều chỉnh vốn và giao dịch GVMCP đều tăng, phản ánh rõ nét niềm tin ngày càng được củng cố của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu.
- Riêng trong tháng 6, hoạt động thu hút ĐTNN đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua với 439 dự án cấp mới, 152 lượt điều chỉnh vốn và 350 lượt GVMCP. Một điểm sáng nổi bật là dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester trị giá 1 tỷ USD của nhà đầu tư Thụy Điển tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định – minh chứng cho sức hút của Việt Nam đối với các dự án lớn, công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
- Các đối tác đầu tư lớn nhất vẫn là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ Châu Á. Riêng 5 nước dẫn đầu (Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia) đã chiếm 62,8% số dự án đầu tư mới và 65% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
- Các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư của cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng 6 địa phương dẫn đầu đã chiếm trên 64,7% số dự án mới và 62,4 % số vốn đầu tư của cả nước trong 06 tháng đầu năm 2025. Tỉnh Hà Nam tăng 09 bậc so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nổi bật với dự án cấp mới trong tháng 6 là AVC Technology Việt Nam (Kim Bảng) với số vốn đăng ký 200 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
- Khu vực ĐTNN xuất siêu hơn 21,16 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 20,5 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 14 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, một số yếu tố rủi ro địa chính trị và chính sách vẫn hiện hữu. Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng các chính sách thuế đối ứng của Mỹ – có thể tạo ra tâm lý lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn trong quá trình giải ngân, nhất là với các dự án quy mô lớn, dài hạn.
Trên bình diện đối ngoại, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, trong đó có vai trò trực tiếp của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực trong đàm phán với Hoa Kỳ. Hai bên đã có những trao đổi thẳng thắn, chia sẻ thông tin và định hướng hợp tác, qua đó tạo nền tảng thuận lợi cho các vòng đàm phán tiếp theo, hướng đến giải pháp cân bằng, hài hòa lợi ích song phương và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một dấu ấn thể chế quan trọng cũng được ghi nhận trong tháng 6 là việc Việt Nam chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) trên toàn quốc từ ngày 01/7/2025. Đây là bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử, góp phần phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các cấp chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương. Việc tổ chức lại bộ máy theo mô hình hai cấp không chỉ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, mà còn là yếu tố then chốt củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, tạo kỳ vọng về cải cách hành chính sâu rộng và môi trường đầu tư thông thoáng hơn trong thời gian tới.
3. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới hết tháng 06 năm 2025
Tính lũy kế đến hết tháng 06 năm 2025, cả nước có 43.702 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 519,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 334,28 tỷ USD, bằng 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 317,8 tỷ USD (chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với số vốn trên 78 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với trên 42 tỷ USD (chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư).
Theo đối tác đầu tư: có 151 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 93,7 tỷ USD (chiếm 18% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 86,5 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.
Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 59,9 tỷ USD (chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Hà Nội với gần 45,6 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư); Bình Dương với hơn 42,4 tỷ USD (chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư).
(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục III kèm theo báo cáo)
II. VỀ ĐẦU TƯ CỦA VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
Trong 06 tháng đầu năm 2025, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 86 dự án mới và thực hiện 18 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt trên 487,1 triệu USD (gấp hơn 3,5 lần cùng kỳ).
1. Tình hình ĐTRNN 06 tháng đầu năm 2025
Theo ngành: Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 15 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào ngành sản xuất, phân phối điện với dự án lớn có vốn đầu tư hơn 111,2 triệu USD (chiếm 22,8% vốn) và ngành vận tải kho bãi đứng thứ hai với gần 78,5 triệu USD (chiếm 16,1% vốn). Ngành bán buôn bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 76,8 triệu USD (chiếm 15,8% vốn).
Theo đối tác: Có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2025. Các nước thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của Việt Nam là Lào với số vốn 150,3 triệu USD (chiếm 30,9% vốn); Philippines với sốn vốn 61,8 triệu USD (chiếm 12,7% vốn); Indonesia với số vốn gần 60,5 triệu USD (chiếm 12,4% vốn).
2. Tình hình ĐTRNN lũy kế đến hết tháng 06 năm 2025
Lũy kế đến hết tháng 06 năm 2025, Việt Nam đã có 1.916 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 23 tỷ USD. Trong đó:
Theo ngành: Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 18/21 ngành, tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (gần 7,1 tỷ USD, chiếm 30,6% vốn); nông, lâm nghiệp, thủy sản (hơn 3,4 tỷ USD, chiếm 14,7% vốn) và thông tin truyền thông (hơn 2,87 tỷ USD, chiếm 12,4% vốn).
Theo đối tác nhận đầu tư: Tính đến tháng 6 năm 2025 Việt Nam đã đầu tư ra 84 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (trên 5,8 tỷ USD, chiếm 25,2% vốn); Campuchia (hơn 2,94 tỷ USD, chiếm 12,7% vốn); Venezuela (gần 1,83 tỷ USD, chiếm 7,9% vốn),…
[1] Tuy số dự án đầu tư mới tăng nhưng vốn đăng ký giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2024 do trong 6 tháng đầu năm 2024 số lượng các dự án cấp mới có vốn đăng ký lớn trên 100 triệu lớn nên tổng vốn đăng ký mới cao (Trong 6 tháng 2024 cấp mới 18 dự án trên 100 triệu USD với tổng số vốn là 5,12 tỷ USD chiếm 32% tổng vốn đầu tư, trong 6 tháng năm 2025 cấp mới 15 dự án trên 100 triệu với tổng vốn đăng ký là 3,2 tỷ USD chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư).
[2] Vốn điều chỉnh tăng do trong 6 tháng 2025 có nhiều lượt dự án tăng vốn lớn như dự án xây dựng công viên Yên Sở vốn tăng 1,12 tỷ USD; dự án Cty TNHH phát triển khu phố mới Nam Thăng Long tăng thêm 780 triệu.
[3] Trong tháng 6 có 01 dự án giảm vốn lớn của nhà đầu tư Singapore là dự án Dịch vụ hỗ trợ hợp tác phát triển Thành phố thông minh Bình Dương, với số vốn giảm 499,95 triệu USD, dự án đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản tại tỉnh Bình Dương.