BỘ TÀI CHÍNH
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Thứ Bảy, 12/07/2025
Cơ hội đầu tư
VBF cuối kỳ: Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Thứ Ba, 08/12/2015 11:30
VBF cuối kỳ: Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đã ký kết và đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết.

Khẳng định này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ (VBF) 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” – sự kiện kinh tế quan trọng hàng đầu về môi trường kinh doanh đã được khai mạc sáng nay (1/12), tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm. Đáng chú ý, môi trường kinh doanh cũng còn nhiều yếu kém, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế…

“Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và còn nhiều việc phải làm. Trong khi nền kinh tế còn nhiều hạn chế, đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là về hội nhập kinh tế thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), đã ký kết và đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết” – Bộ trưởng nói.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Virginia B.Foote – Đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, kể từ khi VBF giữa kỳ được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong các vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là kết quả đàm phán của Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10/2015.

Tuy nhiên, theo bà Virginia B.Foote, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp, cần thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và giảm thiểu gánh nặng hành chính thông qua việc giảm lượng tiền mặt, giấy tờ và giao dịch thanh toán trực tiếp giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Chính phủ.

Trong khi đó, ông Kyle F. Kelhofer – Giám đốc Khu vực Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC) chia sẻ, năm 2015 đã chứng kiến những nỗ lực hội nhập rất lớn của Việt Nam khi tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng như FTA với EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc; cũng như hoàn tất đàm phán TPP.

Ông Kyle cũng cho rằng, năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào các yếu tố như vốn, tài chính. Do vậy, để phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần khai thác cơ hội để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp sáng tạo nhằm tiến xa hơn tronh chuỗi giá trị. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh phát triển môi trường kinh doanh, gắn kết giữa các khu vực kinh tế.

“Nền kinh tế Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường các điều kiện để tạo tác động lan tỏa và duy trì sức mạnh cạnh tranh trong khu vực” – ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh.

Hồ Hường

Số lượt đọc: 160
Thông báo