BỘ TÀI CHÍNH
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Thứ Tư, 16/07/2025
Cơ hội đầu tư
Tường thuật trực tuyến Hội thảo “Tác động của Luật đầu tư sửa đổi và chính sách thuế tới thu hút FDI"
Thứ Năm, 20/11/2014 01:37
Tường thuật trực tuyến Hội thảo “Tác động của Luật đầu tư sửa đổi và chính sách thuế tới thu hút FDI"

(DĐDN) - Hội thảo “Tác động của Luật đầu tư sửa đổi và chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” diễn ra từ 8h30 - 11h30, ngày 20/11/2014 tại Hội trường tầng 7, tòa nhà VCCI – số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo với sự tổ chức của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp nhằm làm rõ hơn những thay đổi căn bản trong Luật Đầu tư mới, những đổi mới trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những ưu đãi về thuế, sự thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư.

Các vị khách mời đăng ký tham dự Hội thảo
Hơn 300 khách mời đã tham dự Hội thảo

Đúng 9 giờ 00 phút, chương trình bắt đầu.

Tới tham dự chương trình về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Đại biểu quốc hội khóa 13 - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng ban Tổ chức hội thảo.

Về phía đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước có ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế  (Bộ Tài chính); Giáo sư TS khoa học Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Về phía Đại sự quán có sự tham dự của ngài Antonio Castellano  – tùy viên - Ban kinh tế và thương mại ĐSQ Italia tại Việt Nam; ngài Alfonso Tena – ĐSQ Tây Ban Nha tại Việt Nam; ngài Alison Keys – Bí thư thứ nhất ĐSQ Autraylia tại Việt Nam; ngài Mauricio Medeiros De Assis – Phó ĐSQ Braxin tại Việt Nam.

Hội thảo còn có sự tham dự của gần 300 khách mời là lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Các vị diễn giả tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, theo số liệu chính thức của Cục đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư), khu vực FDI là khu vực kinh doanh năng động, ổn định và hiệu quả, trong đó đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 21 - 30% trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp gần 20% GDP cả nước. Đáng chú ý là từ năm 2013 đến nay, ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn được đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nước ta, kéo theo sau chuỗi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với những đóng góp không nhỏ đang trở thành điểm sáng.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Chủ tịch VCCI cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, Luật Đầu tư năm 2005 đã xuất hiện nhiều bất cập, không còn phù hợp và phần nào ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là những quy định còn nhiều vướng mắc và không thống nhất với các văn bản có liên quan đi kèm sau này. Đây là điều khó tránh khỏi với một quốc gia đang phát triển, trong tiến trình hội nhập, tham gia vào nền kinh tế thế giới, với một hệ thống luật pháp đang không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện”.

TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho biết thêm, tại kì họp Quốc hội tháng 11 này, các đại biểu đang bàn thảo về ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi). Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này làm rõ những lĩnh vực, những khu vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích để phát triển đầu tư; đồng thời điều chỉnh những bất cập liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện; nhằm hướng tới việc xây dựng một môi trường đầu tư công khai, minh bạch. Đây là một việc làm hết sức cần thiết trước yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. 

“Nếu được Quốc hội thông qua, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ góp phần tạo thêm nhiều điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn. Thêm vào đó, Chính phủ thể hiện sự quan tâm đến khối Doanh nghiệp FDI bằng những chính sách ưu đãi mới về thuế. Những chính sách mới về Thuế và Luật Đầu tư (sửa đổi) nếu được thông qua hi vọng sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả” - TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định. 

Ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham luận với chủ đề “Những điểm mới căn bản trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi)”.

Ông Quách Ngọc Tuấn cho biết, nội dung quan trọng mang tính sửa đổi đột phá của Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này chính là thông tin về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) được thực hiện theo nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của mọi người trong các ngành, nghề mà Luật không cấm.

Quy định thống nhất ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có thể áp dụng chung cho tất cả các nhà đầu tư theo nguyên tắc liệt kê tại Danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật. Nhà đầu tư không bị hạn chế đầu tư kinh doanh nếu ngành, nghề không quy định tại Danh mục.

Ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Theo Dự thảo, các điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề quy định tại Danh mục cũng được quy định chi tiết tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế là thành viên.

Theo dự thảo luật trình Quốc trong kỳ họp vừa qua thì có 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; 272 ngành, nghề có điều kiện trên cơ sở kết quả rà soát từ 51 ngành, nghề, hàng hóa cấm đầu tư kinh doanh, 386 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Danh mục các ngành, nghề này đang được tiếp tục rà soát.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo đó là quy định rõ việc áp dụng pháp luật đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Luật này có thể áp dụng điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp thành lập mới doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, thực hiện dự án đầu tư đối với các tổ chức kinh tế như: Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ hoặc công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài; Có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nêu trên nắm giữ trên 51% vốn điều lệ.

Quang cảnh Hội thảo

Các trường hợp còn lại áp dụng như nhà đầu tư trong nước.

Về thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, ông Tuấn cho biết, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bãi bỏ thủ tục cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.

Dự thảo cũng bãi bỏ quy trình thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với thời hạn tối đa 15 ngày thay vì 45 ngày như hiện nay. (Từ 3 quy trình: đăng ký cấp GCNĐT, thẩm tra cấp GCNĐT, cấp GCNĐT đối với dự án chấp thuận chủ trương đầu tư xuống còn 02 quy trình: cấp GCNĐKĐT và cấp GCNĐKĐT đối với dự án chấp thuận chủ trương đầu tư).

Đồng thời, cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh thay vì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư như hiện nay” – ông Tuấn nói.

Nội dung thay đổi lớn trong Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) lần này đó là ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Theo đó, Dự thảo quy định rõ các hình thức áp dụng ưu đãi, nguyên tắc, thủ tục và điều kiện áp dụng ưu đãi.

Dự thảo cũng bổ sung đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư bao gồm: Dự án sử dụng nhiều lao động đặt tại vùng nông thôn; Các dự án lớn được giải ngân trong thời gian ngắn thay vì chỉ áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư như hiện nay.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định cụ thể danh mục ngành, nghề ưu đãi tại Luật; bổ sung, cập nhật vào danh mục ưu đãi đầu tư đối với công nghệ cao, nông nghiệp và một số hoạt động khác nhằm khuyến khích đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao theo định hướng, chiến lược phát triển kinh tế xã hội.


Đại diện các đại sứ quán tham dự Hội thảo

Về thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, ông Tuấn cho biết những quy định của Luật về vấn đề này còn tồn tại một số hạn chế như: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư được áp dụng quá rộng, bao gồm tất cả các dự án đầu tư nước ngoài và nhiều dự án đầu tư trong nước, trong đó có cả các dự án chỉ thực hiện hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Trong khi pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về các điều kiện kinh doanh và quản lý hoạt động này thì việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án nêu trên vừa tạo thêm thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, vừa dẫn đến trùng lặp trong hoạt động quản lý của nhà nước.

Bên cạnh đó, các quy định về hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam gặp nhiều vướng mắc do Luật không xác định rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong doanh nghiệp và không quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thực hiện hoạt động này.

Ngoài ra, các thủ tục triển khai dự án đầu tư chưa được quy định đầy đủ, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến điều chỉnh dự án đầu tư, tạm ngưng, giãn tiến độ hoạt động, chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chuyển nhượng và thanh lý dự án đầu tư… Điều này không tạo cơ sở pháp lý để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư, đồng thời, cơ quan nhà nước không đủ công cụ, chế tài cần thiết để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý hoạt động đầu tư.

Ông Tuấn cũng chỉ ra những hạn chế chủ yếu trong các quy định về vấn đề này. Cụ thể, Luật chưa xác định rõ hình thức, lĩnh vực, điều kiện đầu tư ra nước ngoài, đồng thời chưa phân định những hoạt động đầu tư ở nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và những hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài còn chưa đầy đủ, dẫn đến khó xác định thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các quy định về chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan cũng chưa được quy định rõ ràng.

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tham luận với chủ đề “Môi trường đầu tư, định hướng và khả năng thu hút FDI trong thời gian tới”.

Bàn về tác động của các chính sách mới liên quan đến Luật Đầu tư, theo ông Quang, cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều phản ứng tích cực với các chính sách sửa đổi này. “Đây không phải là lần đầu tiên nước ta sửa đổi Luật Đầu tư. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung dường như các nhà đầu tư đã có niềm tin với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong lần sửa đổi Luật Đầu tư, Thuế lần này, tình hình đầu tư có vẻ tích cực hơn, nhà đầu tư cũng gia tăng niềm tin kinh doanh ở Việt Nam” – ông Quang cho biết.

Ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) 

Ông Quang dẫn chứng, năm 2013, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 22,3 tỷ USD và vốn thực hiện là 11,5 tỷ USD. Mục tiêu năm 2014 là 15 - 16 tỷ USD, riêng 9 tháng đầu năm 2014 đã đạt 11,2 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và ngày càng có xu hướng tăng. 

Qua khảo sát, hầu hết các nhà đầu tư đều muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bằng chứng là xu hướng gia tăng các dự án quy mô lớn của các tập đoàn lớn trên thế giới đến Việt Nam như: Samsung, LG… “Rõ ràng, đầu tư nước ngoài đang và tiếp tục là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế Việt Nam” – ông Quang khẳng định.

Ông Quang cũng cho biết, 10 đối tác FDI hàng đầu Việt Nam hiện tại bao gồm: Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Anh, Hồng Kong,  Mỹ, Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan.

Các ưu đãi khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như: Miễn thuế nhập khẩu máy móc, vật liệu, phương tiện vận tải chuyên dụng nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án khuyến khích đầu tư; vật liệu mà trong nước không có khả năng sản xuất được; hàng hóa được nhập khẩu lần đầu tiên theo danh sách quy định của Chính phủ cho các dự án đầu tư vào khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ, sân golf, khu du lịch, khu vui chơi giải trí…; vật liệu và thành phần của dự án đầu tư ở các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, hoặc các khu vực địa lý có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất. 

Miễn giảm tiền thuê đất. Cụ thể, các dự án khuyến khích đầu tư thì thời gian miễn giảm là 3 năm; tại các khu vực địa lý có kinh tế-xã hội khó khăn là 7 năm; tại các khu vực địa lý kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hoặc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn là 11 năm; trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là 15 năm; dự án BOT, dự án khu công nghệ cao là toàn bộ thời gian.

Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, ông Quang cho rằng, Việt Nam cần thu hút có chọn lọc dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, trong các lĩnh vực: CNTT, phục vụ nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao…; thu hút dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các TNCs, đồng thời chú trọng dự án quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhau và với doanh nghiệp trong nước; quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế từng vùng, từng ngành và quy hoạch chung. 

Ông Quang cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp dường như đánh giá cao 4 nội dung sửa đổi lần này: Thứ nhất là cải cách thủ tục đầu tư; thứ hai, minh bạch hóa chính sách; thứ ba, chính sách liên quan đến mua bán, sáp nhập, hợp tác công tư…; thứ tư là nội dung liên quan đến minh bạch hóa, cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

“Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là một quá trình đã và đang tiếp diễn. Hy vọng Luật Đầu tư (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đột phá cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam và Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài” – ông Quang nhấn mạnh.  

Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tham luận chủ đề “Một số chính sách thuế mới đối với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”.

Ông Phụng cho biết, mọi Chính phủ thường áp dụng 3 cách: Đánh thuế trực tiếp vào thu nhập (Trực thu); Đánh qua sử dụng thu nhập (Gián thu); Đánh hỗn hợp (Thuế đánh qua tài sản).

Chính phủ cũng sử dụng nhiều loại thuế để bổ sung lẫn nhau trong phân bổ nguồn lực xã hội và quản lý điều hành kinh tế - xã hội. Sử dụng các biện pháp chính sách ưu đãi, khuyến khích thông qua công vụ thuế như: Khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu; Khuyến khích hoạt động R&D, công nghệ mới; Khuyến khích sử dụng nhiều lao động; Tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội,…

Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) 

Hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam bao gồm: Thuế môn bài; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK); Thuế giá trị gia tăng (GTGT); Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Thuế thu nhập cá nhân (TNCN); Thuế tài nguyên; Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế bảo vệ môi trường; Tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; Phí, lệ phí (gần 300 thứ chi tiết).

Liên quan đến đầu tư nước ngoài, ông Phụng cho biết, theo Luật đầu tư 2005, chính sách ưu đãi được thống nhất giữa đầu tư trong nước và đầu tư NN. Các Luật thuế có quy định ưu đãi gồm: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK); thuế giá trị gia tăng (GTGT); thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); thuế thu nhập cá nhân (TNCN); thuế sử dụng đất, tiền thuê đất; đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường lành mạnh.

Các chính sách thuế mới 2014 phải kể đến Thuế GTGT: NGHỊ ĐỊNH 209/2013/NĐ-CP , TT số 219/TT-BTC ngày 31/12/2013, hiệu lực từ 2014; Thuế TNDN: NGHỊ ĐỊNH 218/2013 & TT số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, hiệu lực từ 02/8/2014; Thuế nhà thầu nước ngoài : TT số 103/2014; Tiền sử dụng, tiền thuê đất: NGHỊ ĐỊNH 45 + 46/2013, TT SỐ 76 & 77/2014; Thông tư số 119/2014 sửa đổi 07 Thông tư và Nghị định số 91/2014 sửa đổi 04 Nghị định.

Ông Phụng thông tin về nghị định 91/2014. Theo đó, nghị định quy định rõ: “Đối với dự án đầu tư được cấp phép đầu tư mà trong Hồ sơ đăng ký đầu tư lần đầu gửi cơ quan cấp phép đầu tư đã đăng ký số vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư kèm tiến độ thực hiện đầu tư, ở các giai đoạn tiếp theo trường hợp thực tế thực hiện được coi là dự án thành phần của dự án đầu tư đã được cấp phép lần đầu nếu thực hiện theo tiến độ (trừ trường hợp khó khăn khách quan, bất khả kháng) thì được hưởng ưu đãi thuế theo mức ưu đãi đang áp dụng đối với dự án đầu tư lần đầu; đối với dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 01/01/2014 thì ưu đãi thuế được hưởng cho thời gian ưu đãi còn lại được tính từ ngày 01/01/2014”.

Với thuế liên quan tới đầu tư, hệ thống các văn bản pháp luật mới có liên quan gồm: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK): Thực hiện cắt giảm thuế suất theo lộ trình cam kết (TT số 164/2013/TT-BTC ngày 15-11-2013); Tiền thuê đất: Nghị định số 45/2014 nhưng các doanh nghiệp FDI đang hoạt động không ảnh hưởng; Thuế giá trị gia tăng (GTGT): TT số 219/2013, hiệu lực từ 01/1/2014; Thuế TNDN : Nghị định số 218/2013, Thông tư số 78/2014/TT-BTC hiệu lực từ 02/8/2014 và áp dụng cho kỳ tính thuế 2014 trở đi....

Những quy định mới đối với thuế TNDN thể hiện: Tiền lương, tiền thưởng, hỗ trợ khác cho người lao động thực hiện theo Hợp đồng lao động/thoả ước lao động hoặc quy chế của DN; Được tính vào chi phí khoản nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh XH, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động (tối đa 12tr.đ/năm); Được tính khoản chi phúc lợi cho người lao động (không quá 01 tháng lương thực tế bình quân/năm); DN không phải đăng ký với cơ quan thuế về định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu; Khoản 'hoàn nhập dự phòng' không tính vào thu nhập khác (hạch toán giảm chi chí khi xác định thu nhập chịu thuế); Được tính vào chi phí được trừ đối với chi phí mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh, quyền sử dụng thương hiệu....

Ông Phụng thông tin thêm: “Từ 01/10/2014, cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế TNCN được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định”.

Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN là dự án: Thực hiện lần đầu của DN hoặc là Dự án độc lập với dự án đang thực hiện; Trường hợp DN hưởng ưu đãi theo điều kiện địa bàn ưu đãi đầu tư nếu có dự án đầu tư mới tại địa bàn ưu đãi đầu tư thì dự án này phải không cùng ngành nghề với dự án đang thực hiện.

Thuế TNCN người nước ngoài từ 10/2013, theo đó từ 01/10/2014, cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế TNCN được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định.

Phóng viên báo, đài phỏng vấn các vị khách mời trong giờ giải lao

Hội thảo “Tác động của Luật đầu tư sửa đổi và Chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” là cơ hội để các doanh nghiệp đối thoại với đại diện các cơ quan quản lí, soạn thảo Luật; từ đó, phản biện nhằm giúp hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Đảng và Chính phủ với hoạt động đầu tư tại Việt Nam.


Các vị diễn giả điều hành phiên thảo luận

Điều phối phiên thảo luận hội thảo có ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư); Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn- Tổng cục thuế (Bộ Tài chính); Ông Phạm Ngọc Tuấn -Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng ban Tổ chức hội thảo.


Mở đầu phiên thảo luận, GS. TS Khoa học Nguyễn Mại cho biết ông có 2 lo lắng: Thứ nhất, có một thực tế là nhiều điều không đưa được vào Luật sẽ được lách qua Nghị định. Vì vậy, ông đề nghị các Nghị định phải nhất quán với tư tưởng của Luật, không để cho các Nghị định được lách và làm sai định hướng. Thứ 2, ông hy vọng sẽ không có các thông tư dưới Nghị định bởi thông tư các Bộ ban hành đều đại diện lợi ích cho các Bộ đó.

Cũng theo ông Mại, xây dựng thể chế là quan trọng nhưng thực thi thể chế còn quan trọng hơn. Hiện, khoảng 15.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với đội ngũ công chức không được như mong muốn. Đề nghị Chính phủ sau khi có thể chế tốt thì quan tâm đến bộ máy công chức để giảm phiền hà, nhũng nhiễu. 

Ông Mại cho biết thêm, không chỉ nhà đầu tư Việt Nam, khoảng 1 tháng nay báo chí quốc tế như Ý, Đức… cho rằng Việt Nam đang có cải tiến rõ về thể chế và môi trường đầu tư. Điển hình như lần đầu tiên trái phiếu Chính phủ Việt Nam phát hành nhận được sự phản ứng tốt: 30 tỷ đồng đặt mua trái phiếu với lãi suất ở mức cao… 



Hiện nay có 5 tập đoàn lớn đang đầu tư VN như: Samsung đầu tư tại Việt Nam từ năm 2007, sau nhiều lần tăng vốn đến nay đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam; Microsoft dự kiến sẽ chuyển một nhà máy ở Hungary sang Việt Nam để sản xuất smartphone; Itel quyết định chuyển một nhà máy sang Việt Nam để sản xuất khoảng 80% chip cung cấp cho toàn bộ thế giới…

“Theo quan sát của tôi thì có một làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao, công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Làm sao để 2 Luật Đầu tư và Doanh nghiệp phát huy hiệu quả nhằm tăng cơ hội đầu tư cho Việt Nam, giúp Việt Nam có những doanh nghiệp mạnh trong 5 – 10 năm tới” – ông Mại khẳng định.     



Chia sẻ thêm tại Hội thảo, ông Vũ Văn Phụng cho biết, chúng tôi đang tập trung sửa đổi dự thảo luật, các nghị định và sẽ cam kết ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Lần này dự thảo Luật cũng sẽ có hướng nhìn dài hạn, sẽ không có tình trạng dự thảo luật khi được thông qua đã phải có sự thay đổi phù hợp với bối cảnh thực tế. Do vậy, chất lượng dự thảo luật sủa đổi, nghị định được ban hành có chất lượng cao hơn.

Về dự thảo Luật đầu tư sửa đổi, ông Quách Ngọc Tuấn cho biết, kế thừa những lần sửa đổi trước, dự thảo Nghị định lần này các biểu mẫu được hạn hẹp hơn vì những quy định chi tiết đã được trình bày trong dự thảo Luật đầu tư sửa đổi.  

Trả lời câu hỏi về việc trong báo cáo FDI của VN thường nêu ra FDI thu hút, FDI giải ngân. Vậy xin hỏi, trong FDI giải ngân thường tính số vốn đầu tư được giải ngân này trực tiếp của đối tác nước ngoài, hay là FDI thu hút ở trong nước, hoặc vốn ở bên ngoài rót vào Việt Nam? Ông Đặng Xuân Quang cho biết: Vốn FDI giải ngân công bố bao gồm cả vốn giải ngân của Việt Nam và các cơ quan liên quan. Ví dụ, đầu tháng 10/2014, Việt Nam giải ngân được hơn 10 tỷ, trong đó có hơn 2 tỷ là giải ngân của Việt Nam và gần 8 tỷ đồng là của các cơ quan liên quan.

Trong báo cáo, chúng tôi có thống kê rất cụ thể dòng vốn của nước ngoài hay của Việt Nam. Tuy nhiên, số liệu thống kê công bố ra ngoài là số liệu tổng hợp của cả Việt Nam và nước ngoài.


Liên quan đến ưu đã thuế cho DN trong giai đoạn 2009-2013, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng. Hiện tại dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có hai loại. Một là DN mới đầu tư trong giai đoạn này. Hai là các dự án đầu tư trong giai đoạn 20092013. Tiêu chí ưu đãi của Luật hiện thời được xác định theo dự án đầu tư. Theo đó, dự án đầu tư của DN mới và DN trong giai đoạn 2009-2013 đều được hưởng ưu đãi như nhau. Có nghĩa là những quy định ưu đãi nào thấp hơn trước thì nhà đầu tư trước vẫn được bảo lưu, những quy định ưu đãi nào tốt hơn trước thì các nhà đầu tư mới đều được hưởng.

Đại diện Công ty Đầu tư nước ngoài hỏi: Dự thảo Luật Đầu tư hiện hành yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam chỉ cần xin giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài nhưng trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lại tách thành 2 phần là: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy đăng ký đầu tư. Vậy, Luật mới có tạo thêm phiền hà cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào Việt Nam không? 

Ông Quách Ngọc Tuấn: Luật Đầu tư hiện hành đang ghép 2 nội dung vào 1 là thủ tuc là cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Thủ tục doanh nghiệp. Quá trình thực hiện nội dung này có vẻ đơn giản nhưng sau đó lại xuất hiện những vướng mắc. Chính vì vậy, Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đã tách riêng hai nội dung này ra. Khi đọc mọi người hình dung có vẻ phức tạp nhưng thủ tục lại đơn giản, thời gian rút ngắn khoảng 50% so với thủ tục ban đầu. 

Đại diện Công ty Panasonic: Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nếu để trong Luật sẽ tốt hơn chứ không phải Nghị định. Đây là điều mà các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm. Khi mà các ngành nghề này thay đổi thì Luật có phải thay đổi nhiều không?

Ông Quách Ngọc Tuấn: Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã chọn ra những ngành nghề không được quy định kinh doanh nữa. Đây là phương pháp chọn bỏ. Còn về quy trình sửa đổi Luật, Nghị định sẽ được công khai, minh bạch. 

Đại diện DN tư vấn đầu tư nước ngoài hỏi: Trường hợp một DN Việt Nam hoàn toàn hoạt động và được cấp giấy chứng nhận. Sau đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần và DN trở thành DN có vốn đầu tư nước ngoài. DN có vốn đầu tư nước ngoài này sau đó đầu tư vào khu công nghiệp và phải được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nếu như theo quy định của Luật mới thì không có vấn đề gì song ở luật cũ sẽ phải tư vấn như thế nào về vấn đề này?

Ông Quách Ngọc Tuấn cho biết: trường hợp một DN thuần Việt sau đó nhà đầu tư nước ngoài vào và trở thành DN có vốn đầu tư nước ngoài thì tại Nghị định 103 của Chính phủ đã có hướng hướng dẫn cụ thể về góp vốn, chuyển nhượng và chuyển vốn của DN.

Từ đó, đối với dự án đầu tư mới trong khu công nghiệp Luật hiện hành không quy định phải lập pháp nhân, nhưng DN vẫn được lập pháp nhân nếu cần.

Về nội dung ‘đối xử’ với DN có vốn đầu tư nước ngoài trên dưới 51%, theo ông Tuấn, cần phải xác định rõ thế nào được gọi là DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước. Theo pháp luật hiện hành thì DN có sự tham gia 1% vốn từ nước ngoài cũng gọi là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi số tỷ lệ tham gia vốn nước ngoài bao nhiêu phần % cũng có những quy định rõ ràng về việc ‘đối xử’, vấn đề còn là ưu đãi đối với từng DN lại phụ thuộc vào cam kết cụ thể của từng nhà đầu tư.

Số lượt đọc: 213
Thông báo