BỘ TÀI CHÍNH
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Thứ Hai, 14/07/2025
Cơ hội đầu tư
Việt Nam - “cứ điểm” của nhiều thương hiệu toàn cầu
Thứ Ba, 26/05/2015 02:24
Việt Nam - “cứ điểm” của nhiều thương hiệu toàn cầu

Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đang sở hữu những thương hiệu toàn cầu đã chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng của mình trên thế giới. Qua đó tiếp tục khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Tập đoàn Samsung đặt chân đến Việt Nam từ năm 2007, sau đó liên tục mở rộng đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên tới trên 10 tỷ USD. Trong đó, tập trung chủ yếu tại 2 nhà máy đặt tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Phát biểu tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây, ông Han Myong- Sup- Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: Hiện Tập đoàn Samsung đã đầu tư tại 8 quốc gia trên toàn cầu, trong đó Samsung Electronic Việt Nam (SEV) là nhà máy lớn và quan trọng nhất. Ngoài sản phẩm chính là điện thoại, hiện Samsung Việt Nam cũng sản xuất các loại sản phẩm khác như máy hút bụi, camera,…

Tính đến thời điểm hiện tại hai nhà máy của SEV tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên đã thu hút đến 102.000 cán bộ công nhân viên, sản phẩm của Samsung Việt Nam đã xuất khẩu đi 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Năm 2014, Samsung Việt Nam xuất khẩu 26,3 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Samsung đang phấn đấu trở thành công ty lớn nhất trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam với quy mô 200.000 người vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Samsung đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư và tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam. Dự kiến, trong tháng 6 tới đây, Samsung sẽ tổ chức một cuộc triển lãm giới thiệu các sản phẩm linh phụ kiện, tạo điều kiện cho các công ty của Việt Nam tham quan, tìm hiểu và tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ cho Samsung.

Cùng với Samsung, Tập đoàn Canon Nhật Bản cũng đang coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng của mình trên thế giới. Theo ông Soma Katsuyoshi- Tổng giám đốc Canon Việt Nam: Hiện Canon có 9 cứ điểm sản xuất trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam là cứ điểm sản xuất lớn và quan trọng nhất.

Cũng theo lãnh đạo Canon Việt Nam, đầu tư tại Việt Nam từ năm 2001, năm 2002 là năm đầu tiên Canon xuất hàng, từ đó đến nay doanh thu của Canon Việt Nam không ngừng phát triển, trở thành doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam. Năm 2014 Canon chiếm 2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Mục tiêu của Canon Việt Nam là trở thành nhà máy cạnh tranh số 1 trên thế giới, có thể sản xuất linh kiện cho tập đoàn Canon trên toàn cầu và xuất khẩu đi các nước khác. Để đạt được mục tiêu này, Canon phấn đấu tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam lên tới 70%. Theo đó, Canon sẵn sàng hợp tác cùng Chính phủ và các DN Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Ngoài Samsung và Canon thì Nokia cũng coi Việt Nam là mấu chốt quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của mình. Phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Nokia Bắc Ninh, ông Vinod Muralidharan- Tổng Giám đốc Nokia Việt Nam từng khẳng định: Nokia thiết lập nhà máy tại Việt Nam như một hình mẫu cho các hoạt động quốc tế khác của Nokia trên toàn thế giới.

Với tập đoàn LG, sau khi đầu tư khoảng 300 triệu USD tại Việt Nam với 2 nhà máy tại Hưng Yên và Hải Phòng, tháng 10/2013 tập đoàn này đã mở rộng đầu tư thêm 1,5 tỷ USD tại KCN Tràng Duệ- Hải Phòng để sản xuất và lắp ráp hàng hóa điện tử. Quyết định tăng vốn gấp 5 lần tại Việt Nam, điều đó cho thấy LG đã coi Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của mình trên toàn thế giới.

Số lượt đọc: 200
Thông báo