BỘ TÀI CHÍNH
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Thứ Bảy, 12/07/2025
Cơ hội đầu tư
Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam
Thứ Ba, 11/10/2016 02:32
Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam

Ngày 29/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia "Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam" do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức.

Các tham luận chia sẻ tại hội thảo đều khẳng định kiều hối có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của các quốc gia, kiều hối cung cấp nguồn ngoại tệ ổn định, giúp cải thiện cán cân thanh toán, cung cấp nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cải thiện mức sống mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam – một trong những quốc gia thu hút kiều hối nhất thế giới. 

Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lượng người Việt Nam ở nước ngoài đang chiếm khoảng 5% tổng dân số, đây là con số rất ấn tượng so với nhiều nước, kể cả Trung Quốc. Chính lợi thế này đã khiến Việt Nam lọt vào nhóm nước có lượng kiều hối hàng năm nhiều nhất trên thế giới. 

Theo tính toán thì trong giai đoạn 1991 – 2014, lượng kiều hối lũy kế vào Việt Nam đạt khoảng 92 tỷ USD, cộng thêm với khoảng 10 tỷ USD vốn Việt kiều đầu tư về nước thông qua FDI thì tổng lượng kiều hối lũy kế vào Việt Nam trong giai đoạn này khoảng 102 tỷ USD, gần tương đương so với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuần cùng kỳ vào Việt Nam (khoảng 100 tỷ USD). 

Mặc dù tương đương về lượng vốn nhưng rõ ràng, FDI đang tạo ra hiệu ứng và thành quả tích cực hơn nhiều so với kiều hối. Vậy nguyên nhân là do đâu? GS.TS Nguyễn Mại dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng, hơn 50% lượng kiều hối vào Việt Nam để sử dụng vào mục đích tiêu dùng, một phần nữa để trả nợ, vốn kiều hối đem đi đầu tư thực chất không nhiều. 


PGS.TS Phạm Văn Hùng, Trưởng Khoa đầu tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: K.D)

Còn theo lý giải của PGS.TS Phạm Văn Hùng, Trưởng Khoa Đầu tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì hiện nay, hơn 80% lượng kiều hối về nước là từ Việt kiều, chỉ khoảng 7% lượng kiều hối là đến từ lao động xuất khấu. Trong khi đó, kiều hối từ Việt kiều gửi về nước phần nhiều là do yếu tố tình cảm, đặc biệt là đối với những Việt kiều thế hệ đầu tiên. Còn lượng kiều hối gửi về từ lao động xuất khẩu vốn mang tính chất kinh tế cao, lại chỉ chiếm có 7%. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng sử dụng vốn kiều hối thiếu hiệu quả, đồng thời là dấu hiệu cho thấy phần nào tính yếu kém trong hoạt động thu hút kiều hối tại Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. 

Với vai trò của kiều hối, GS.TS Nguyễn Mại cũng cho rằng, hoàn thiện chính sách kiều hối theo hướng khuyến khích và tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước qua kênh chính thức của ngân hàng và tổ chức tài chính, giảm dần việc chuyển tiền qua kênh không chính thức. 

Ngoài mở cửa đầu vào, GS.TS Nguyễn Mại nhấn mạnh, nhà nước nên mở cửa cả đầu ra đối với người Việt Nam muốn định cư tại nước ngoài: Chúng ta đã có cộng đồng ASEAN, khuyến khích việc di cư lao động để hội nhập ASEAN. Chúng ta cũng nên khuyến khích việc du học, việc du học sinh ở lại, làm việc tại nước ngoài. Ông Nguyễn Mại dẫn ví dụ về thành công của Trung Quốc khi khuyến khích việc du học và việc du học sinh ở lại, làm việc tại nước ngoài; Trung Quốc sau đó đã kéo lượng lao động tinh hoa này trở về và biến nguồn lực này trở thành nhân tố cực quan trọng trong phát triển đất nước./.

Số lượt đọc: 420
Thông báo